Nước ngọt là nhu cầu không thể thiếu được trong đời sống con người. Việc cung cấp đầy đủ nước sạch đảm bảo chất lượng và số lượng luôn là thách thức đối với các quốc gia. Nhu cầu dùng nước trong quá trình phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam đang tăng mạnh. Hiện nay, dân số nước ta đã vượt qua 90 triệu người. Theo ước tính, lượng nước ngọt cần dùng vào năm 2020 sẽ là 160 tỷ m3. Mức này gần tương đương với nguồn nước vào mùa khô trên các lưu vực sông của cả nước. Như vậy, việc thiếu nước ngọt đã rất rõ ràng.
Biến đổi khí hậu toàn cầu cũng sẽ ảnh hưởng rõ rệt đến cuộc sống của nhân dân và hệ sinh thái ven biển. Hiện có khoảng 70% dân cư sinh sống gần vùng ven bờ đang đối mặt với các đe dọa không dự báo được của mực nước biển dâng cao và các thiên tai khác. Biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cao có thể làm tăng các vùng ngập lụt, làm cản trở hệ thống tiêu thoát nước, làm tăng thêm cường độ xói lở tại các vùng ven bờ và nhiễm mặn, dẫn đến gây khó khăn cho hoạt động nông nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt,... Các hoạt động nghiên cứu và sử dụng năng lượng mặt trời ở Việt Nam hiện nay thường tập trung vào các lĩnh vực như cung cấp nước nóng dùng trong sinh hoạt và phát điện ở quy mô nhỏ như sấy, nấu ăn, chưng cất nước. Việc sử dụng trực tiếp năng lượng mặt trời phục vụ sinh hoạt như chưng cất nước mặn thành nước ngọt là thị trường vẫn đang bỏ ngỏ. Toàn bộ các khu vực ven biển và hải đảo từ miền Trung trải suốt tới miền Nam là vùng đất có thể sử dụng năng lượng mặt trời để cấp nước sinh hoạt trong điều kiện biến đổi khí hậu, cạn kiệt nguồn nước mặt và nước ngầm. Hơn nữa, việc nghiên cứu chế tạo thành công thiết bị chưng cất nước mặn thành nước ngọt sử dụng năng lượng mặt trời với hiệu quả thiết thực góp phần cải thiện chất lượng nước và phục vụ nhu cầu tối thiểu cho người dân tại địa phương.
Xuất phát từ nhu cầu cấp bách cùng với tiềm năng to lớn về nguồn năng lượng mặt trời, việc cải tiến và nhân rộng mô hình sản xuất bộ lọc nước mặn thành nước ngọt là chiến lược trong “Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011- 2015”.
Từ nhu cầu thực tại Việt Nam, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã và đang hợp tác trong lĩnh vực khử mặn sử dụng năng lượng gió và mặt trời phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tập đoàn Green Energy là một trong số những nhà đầu tư tích cực trong lĩnh vực này.
Tín Phát vinh dự được lựa chọn là đơn vị tổ chức sự kiện này.
BBT Tín Phát