Bảng mục lục
Luật Quảng cáo số 16/2012/QH13 ngày 21 tháng 6 năm 2012 của Quốc hội được sửa đổi, bổ sung năm 2018 quy định chi tiết về biển quảng cáo - một trong những phương thức quảng cáo phổ biến nhất hiện nay. Đối với các doanh nghiệp, trước khi thực hiện quy hoạch, thiết kế và thi công biển quảng cáo thì ngoài việc lựa chọn mẫu biển quảng cáo phù hợp cần tuân thủ quy định về lắp đặt. Những quy định về kiểu dáng, kích thước, chất liệu, nội dung,… đều được nêu rõ trong các văn bản luật hiện hành. Nếu không tuân thủ các quy định quảng cáo sẽ bị xử phạt và gỡ bỏ.
- Việc đặt bảng quảng cáo, băng-rôn phải tuân thủ quy định về khu vực bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa; hành lang an toàn giao thông, đê điều, lưới điện quốc gia; không được che khuất đèn tín hiệu giao thông, bảng chỉ dẫn công cộng; không được chăng ngang qua đường giao thông và phải tuân thủ quy hoạch quảng cáo của địa phương và quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
- Các sản phẩm quảng cáo thể hiện trên bảng quảng cáo, băng-rôn phải ghi rõ tên (tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có) hoặc tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh), địa chỉ của người thực hiện và điện thoại.
- Quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn có nội dung tuyên truyền, cổ động chính trị, chính sách xã hội phải tuân theo những quy định sau:
+ Biểu trưng, lô-gô, nhãn hiệu hàng hóa của người quảng cáo phải đặt ở phía dưới cùng đối với bảng quảng cáo, băng-rôn dọc và phía bên phải đối với băng-rôn ngang;
+ Diện tích thể hiện của biểu trưng, lô-gô, nhãn hiệu hàng hóa của người quảng cáo không quá 20% diện tích bảng quảng cáo, băng-rôn.
- Thời hạn treo băng-rôn không quá 15 ngày.
- Đối với biển hiệu ngang thì chiều cao tối đa là 02 mét (m), chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà;
- Đối với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là 01 mét (m), chiều cao tối đa là 04 mét (m) nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu.
- Biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hỏa; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng.
- Việc đặt biển hiệu phải tuân thủ các quy định của Luật này và quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
- Phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt, trừ những trường hợp sau:
+ Nhãn hiệu hàng hóa, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hoá không thể thay thế bằng tiếng Việt;
+ Sách, báo, trang thông tin điện tử và các ấn phẩm được phép xuất bản bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài; chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài.
- Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt; khi phát trên đài phát thanh, truyền hình hoặc trên các phương tiện nghe nhìn, phải đọc tiếng Việt trước tiếng nước ngoài.
- Theo Điều 23 Nghị định 103/2009/NĐ-CP ngày 6/11/2009 ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng về Mỹ quan, chữ viết, vị trí và nội dung biển hiệu như sau:
+ Bảng quảng cáo phải đảm bảo mỹ quan
+ Bảng quảng cáo phải viết bằng chữ Việt Nam; trường hợp muốn thể hiện tên viết tắt, tên quốc tế, chữ nước ngoài phải ghi ở phía dưới. Kích thước nhỏ hơn chữ Việt Nam.
Lưu ý: Nội dung quảng cáo phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo.
Biển hiệu chỉ được viết, đặt sát cổng, hoặc mặt trước của trụ sở hoặc nơi kinh doanh của tổ chức, cá nhân; mỗi cơ quan, tổ chức chỉ được viết, đặt một biển hiệu tại cổng; tại trụ sở hoặc nơi kinh doanh độc lập với tổ chức, cá nhân khác chỉ viết, đặt một biển hiệu ngang và không quá hai biển hiệu dọc.
- Về cách đặt bảng quảng cáo được hướng dẫn chi tiết tại Mục 2 Khoản 2 Điều 2 Chương 2 của Thông tư 19/2013/TT-BXD ngày 31/10/2013 Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện quảng cáo ngoài trời như sau:
+ Bảng quảng cáo treo, gắn, ốp vào mặt tường bên công trình/nhà ở: Chiều cao tối đa 5m, chiều dài không vượt quá giới hạn mặt tường tại vị trí đặt bảng và số lượng không quá 2 bảng.
+ Đối với công trình/nhà ở 4 tầng trở xuống, chiều cao của bảng quảng cáo ốp vào mặt tường bên không được nhô lên quá sàn mái 1,5 m;
+ Đối với công trình/nhà ở 5 tầng trở lên toàn bộ diện tích mặt bảng quảng cáo phải gắn, ốp vào mặt tường bên;
+ Bảng quảng cáo đặt tại mặt tiền công trình/nhà ở
Mỗi tầng chỉ được đặt một bảng. Chiều cao tối đa 2 m, chiều ngang không được vượt quá giới hạn chiều ngang mặt tiền công trình/nhà ở. Mặt ngoài bảng quảng cáo nhô ra khỏi mặt tường công trình/nhà ở tối đa 0,2 m.
Vị trí đặt: ốp sát vào ban công, mép dưới bảng trùng với mép dưới của sàn ban công hoặc mái hiên.
Chiều ngang tối đa 1 m, chiều cao tối đa 4 m. Không vượt quá chiều cao của tầng công trình/nhà ở nơi đặt bảng quảng cáo. Mặt ngoài bảng quảng cáo nhô ra khỏi mặt tường công trình/nhà ở tối đa 0,2 m
Vị trí đặt: ốp sát vào mép tường đứng;
Lưu ý: Đối với công trình/nhà ở một tầng chỉ được đặt một bảng ngang và một bảng đứng.
Theo Điều 31 Luật Quảng cáo 2018, việc xây dựng màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời, biển hiệu, bảng quảng cáo độc lập hoặc gắn vào công trình xây dựng có sẵn phải xin giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền về xây dựng của địa phương, cụ thể:
- Xây dựng màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời có diện tích một mặt từ 20 m2 trở lên;
- Xây dựng biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích một mặt trên 20 m2 kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình xây dựng có sẵn;
- Bảng quảng cáo đứng độc lập có diện tích một mặt từ 40 m2 trở lên.
Như vậy, việc xin giấp phép trước hết đơn vị phải chuẩn bị hồ sơ đề nghị cấp giấy phép theo quy định tại khoản 3 Điều 31 của Luật này.
- Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo;
- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo;
- Bản sao có chứng thực một trong những loại giấy tờ sau: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; văn bản thỏa thuận hoặc hợp đồng thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với công trình quảng cáo đứng độc lập; hợp đồng thuê địa điểm giữa chủ đầu tư xây dựng công trình quảng cáo với chủ sở hữu hoặc chủ sử dụng hợp pháp đối với công trình quảng cáo gắn với công trình xây dựng có sẵn hoặc văn bản thông báo kết quả trúng thầu đối với trường hợp địa điểm quảng cáo trong quy hoạch phải tổ chức đấu thầu;
- Trường hợp công trình quảng cáo gắn với công trình đã có trước phải có văn bản thỏa thuận hoặc hợp đồng của chủ đầu tư xây dựng công trình quảng cáo với chủ sở hữu hoặc người được giao quyền quản lý công trình đã có trước;
- Bản vẽ thiết kế của tổ chức thiết kế hợp pháp thể hiện được vị trí mặt bằng, mặt cắt, mặt đứng điển hình; mặt bằng móng của công trình có chữ ký và đóng dấu của chủ đầu tư xây dựng công trình quảng cáo. Trường hợp công trình quảng cáo gắn vào công trình đã có trước thì bản vẽ thiết kế phải thể hiện được giải pháp liên kết công trình quảng cáo vào công trình đã có trước.
- Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền về xây dựng của địa phương;
- Trường hợp địa điểm quảng cáo nằm trong quy hoạch quảng cáo đã được ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền về xây dựng của địa phương cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo cho tổ chức, cá nhân. Trường hợp không cấp giấy phép, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;
- Trường hợp địa phương chưa phê duyệt quy hoạch quảng cáo, trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền về xây dựng của địa phương gửi văn bản xin ý kiến các sở, ban, ngành liên quan. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền về xây dựng của địa phương, các sở, ban, ngành nêu trên phải có ý kiến trả lời bằng văn bản gửi cho cơ quan có thẩm quyền về xây dựng của địa phương. Trong thời hạn 13 ngày, kể từ ngày nhận được ý kiến của các sở, ban, ngành nêu trên, cơ quan có thẩm quyền về xây dựng của địa phương phải cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo cho tổ chức, cá nhân. Trường hợp không cấp giấy phép, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Ngoài ra, với các hành vi vi phạm sẽ được áp dụng theo khung hình phạt quy định tại Điều 60 Nghị định 158/2013/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 28/2017/NĐ-CP về mức xử phạt vi phạm hành chính khi quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn, màn hình chuyên quảng cáo sai quy định, theo đó:
- Phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng: Treo, dựng, đặt, gắn mỗi bảng quảng cáo, băng-rôn không đúng vị trí đã quy hoạch hoặc vị trí đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận;
- Phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng: Xây dựng bảng quảng cáo đứng độc lập có diện tích một mặt từ 40 m2 trở lên mà không có giấy phép xây dựng công trình quảng cáo…
Dù Luật Quảng cáo đã quy định chi tiết kèm theo đó là các thông tư quy định biển quảng cáo đã rõ ràng, nhưng hiện trạng cá nhân và doanh nghiệp đặt biển quảng cáo trái phép gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới mỹ quan đô thị, quy hoạch của thành phố, tỉnh thành. Để tránh bị xử phạt hành chính, các cá nhân, đơn vị tuân thủ theo đúng các quy định mà Nhà nước đề ra.
Tín Phát với kinh nghiệm trên 20 năm trong lĩnh vực quảng cáo sẵn sàng chia sẻ, cung cấp dịch vụ quảng cáo trọn gói cho các tổ chức/doanh nghiệp.
BBT Tín Phát