Ngoài ra, dù những sự kiện của bạn không có người Nhật Bản tham dự nhưng nếu bạn đặt tiệc theo phong cách xứ sở phù tang thì cũng nên tìm hiểu để có cách dùng bữa đúng theo phong cách Nhật Bản.
Người Nhật có khá nhiều quy tắc ăn uống. Họ luôn đề cao, gìn giữ cốt cách, tinh hoa truyền thống trong ẩm thực và văn hóa dùng bữa của đất nước mình. Vì vậy, việc tìm hiểu về nền ẩm thực một quốc gia giàu mạnh hàng đầu thế giới cũng là điều nên làm trong công tác tổ chức sự kiện.
Về cơ bản, ẩm thực Nhật Bản có một số đặc điểm nổi bật sau:
1. Bàn ăn
Khác với người Châu Âu, Châu Mỹ ngồi ăn bằng bàn cao hay người Việt Nam có thói quen ngồi chiếu, người Nhật thường được đặt trên các bàn thấp khoảng 30 cm và không sử dụng ghế, thay vào đó là những miếng nệm ngồi trên sàn. Chiếc niệm này có tên là Tatami. Khi ngồi lên nệm, bạn cần chú ý cởi giày, tất và không giẫm lên nệm của người khác.
Nếu quy mô sự kiện do bạn tổ chức dạng nhỏ, bạn có thể lựa chọn đặt tiệc tại những nhà hàng Nhật Bản sang trọng để được đảm bảo phục vụ bàn ăn theo văn hóa của Nhật. Nếu sự kiện có quy mô lớn và đông người tham dự, bạn hãy chú ý tính sang trọng, sạch sẽ và trật tự trên bàn ăn, đặc biệt không va chạm với chỗ ngồi của người khác.
Ẩm thực Nhật Bản thường thanh đạm, ít calo, cân bằng về dinh dưỡng và rất tốt cho sức khỏe.
2. Món ăn
Chế biến ẩm thực Nhật Bản cầu kỳ vào hàng bậc nhất thế giới. Người Nhật chú trọng từ nguyên liệu, công đoạn chế biến, cách bài trí đến hương vị của món ăn. Các món ăn của Nhật Bản nhìn chung thường thanh tao, nhẹ nhàng, ít calo, cân bằng về dinh dưỡng và mang đậm bản sắc dân tộc.
Các nguyên liệu chính để chế biến thức ăn của người Nhật thường là đậu nành, các loại hải sản, rau củ quả, những thức ăn bổ dưỡng cho sức khỏe.
Đồ ăn của Nhật Bản thường tuân theo một triết lý chung là “tam ngũ” bao gồm: “ngũ pháp”, “ngũ sắc”, “ngũ vị”. Ngũ pháp là 5 phương pháp chế biến chính: Chiên, hấp, ninh, nướng và ăn sống. Ngũ sắc là 5 màu sắc chủ đạo: Đỏ, đen, trắng, xanh, vàng. Ngũ vị là 5 hương vị: Chua, cay, mặn, ngọt, đắng.
Mỗi một món ăn của Nhật Bản lại gắn với một ý nghĩa riêng: Rượu Sake để trừ tà khí, kéo dài tuổi thọ, đậu phụ thường để chúc mạnh khỏe, cá tuyết nướng chúc cho gia đình luôn đông vui, tôm tượng trưng cho sự trường thọ, Sushi thay cho lời chúc sung túc thịnh vượng,...
Các món ăn thường chế biến theo mùa để phù hợp với khí hậu và thời tiết. Món cá Shirouo và bánh Sakura mochi thường được ăn vào mùa Xuân. Các món ăn có tính hàn, lạnh như lươn, cà tím nướng, mì lạnh được ưa chuộng vào mùa hè. Các món khoai nướng, món lăn bột chiên tempura lại được yêu thích vào mùa thu. Các món lẩu, canh Oden được ăn nhiều vào mùa đông.
Khác với Trung Quốc và Ấn Độ, khi chế biến các món ăn họ thường sử dụng rất nhiều gia vị, Nhật Bản gần như không sử dụng gia vị mà tập trung vào hương vị của các nguyên liệu, thành phần món ăn. Do đó, đồ ăn Nhật Bản khá thanh đạm.
Trong tổ chức sự kiện với đối tác Nhật Bản, bạn nên lựa chọn menu với những món ăn phù hợp văn hóa, khẩu vị của người Nhật như ở trên. Bạn có thể dặn trước nhà bếp để đảm bảo đồ ăn được lưu tâm trong cả quá trình chế biến và bày biện.
3. Cách ăn
Khi bắt đầu dùng bữa, nếu bạn được phục vụ khăn ướt hay món ăn, đừng quên nói câu cảm ơn với người phục vụ. Người Nhật Bản cũng giống với người Việt Nam, coi trọng lễ nghi, tôn ti trật tự và việc mời nhau trước khi ăn. Vì vậy, trước khi ăn bạn nên nói “itadakimasu” nghĩa là “mời mọi người” rồi hãy dùng bữa. Và thường người chủ hay người cấp cao hơn sẽ là người bắt đầu trước.
Trong trường hợp đồ ăn của bạn đã được bày biện nhưng đồ ăn của đối tác thì chưa lên, bạn có thể nói xin phép được ăn trước. Khi kết thúc bữa ăn, người Nhật Bản cũng không quên nói câu cảm ơn để thể hiện sự biết ơn, trân trọng những người đầu bếp, người phục vụ và cả những nguyên liệu làm ra món ăn cho mình.
4. Cách dùng đũa
Người Nhật cũng giống người Việt Nam, họ sử dụng đũa làm công cụ khi ăn. Cách cầm đũa của Nhật cũng nói lên nhiều điều trong văn hóa ăn uống của Nhật Bản. Dù là trong công tác tổ chức sự kiện hay bất kỳ công việc gì, bạn cũng nên lưu ý một số văn hóa khi cầm đũa như sau:
- Hãy cầm đũa bằng hai tay, cầm bát trước cầm đũa lên sau;
- Không cho cả đầu đũa vào miệng của mình (nhất là khi phải gắp thức ăn chung);
- Khi gắp thức ăn trong đĩa chung mà không có đũa riêng hãy đảo đầu đũa của mình;
- Tránh dùng đũa chỉ vào người khác;
- Tránh chỉ đũa vào món ăn khi muốn thể hiện món ăn đó ngon;
- Không dùng đũa gẩy thức ăn trên bàn;
- Không dùng đũa để chọc món ăn dù nhiều món Nhật Bản có đặc thù khá trơn;
- Không mút đũa;
- Không cọ đũa vào nhau nếu không cần thiết;
- Không gắp thức ăn cho người khác bằng đũa của mình;
- Không để đũa lên trên miệng bát cơm và đặc biệt tránh cắm đũa dựng trên bát cơm bởi như vậy là có ý chuẩn bị cơm cho người đã mất. Thay vào đó, bạn hãy đặt đũa lên đồ gác đũa được phục vụ trên bàn ăn.
Nhìn chung, kiểu cách sử dụng đũa của người Nhật cơ bản giống người Việt Nam. Tuy nhiên, người Việt ngày càng có xu hướng xuề xòa, cởi mở trong ăn uống nên những nguyên tắc này dần mai một. Trong tổ chức sự kiện với người Nhật Bản, bạn nhất định phải chú ý tới điều đó để dễ dàng có được thiện cảm từ đối phương, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa các bên.
Luôn chú ý tiếp rượu cho người khác là phong cách uống của Nhật Bản.
5. Cách uống
Khi uống rượu thì bạn nên rót cho người khác hơn là rót cho mình. Trong bất kỳ sự kiện gì, người Nhật Bản cũng rất quan trọng việc kính rượu cho nhau. Hãy luôn quan sát để có thể tiếp rượu đầy đặn cho mọi người thay vì chỉ chăm chăm rót cho mình.
Hãy tiếp thêm đồ uống vào cốc của đối phương khi thấy cốc cạn, khi đối phương tiếp đồ uống cho mình thì bạn cũng nên thể hiện sự vui mừng, cảm ơn và nên đỡ bằng 2 tay.
Tránh uống quá say tại những nhà hàng sang trọng và thanh lịch bởi điều đó được coi là hành động bất lịch sự.
Nếu bạn không uống được rượu hay một loại đồ uống nào đó, bạn có thể xin phép uống một loại thức uống khác mà không bị nài ép.
Những nguyên tắc này đều khá quan trọng trong các set tiệc menu. Với những sự kiện nhỏ, khi uống bạn nên tuân thủ các quy tắc để tránh ứng xử bất lịch sự với đối tác. Với những sự kiện lớn, đông người tham dự thì bạn nên lưu ý và có sự nhắc nhở với những bàn tiệc có người Nhật ngồi.
6. Những lưu ý khác
Ngoài những đặc điểm về ẩm thực Nhật Bản như trên, bạn cũng cần lưu tâm một số quy tắc trên bàn ăn cùng người Nhật Bản, cụ thể như sau:
- Không dùng tay để hứng đồ ăn: Việc dùng tay để hứng đồ ăn khi gắp bị coi là bất lịch sự ở Nhật;
- Tránh dùng răng cắn đôi miếng thức ăn mà nên đưa cả miếng thức ăn vào miệng;
- Không trộn wasabi (mù tạt xanh) với xì dầu:
- Không úp ngược nắp bát tô vì sẽ khiến người khác nghĩ bạn đã ăn xong rồi;
- Tránh bỏ vỏ sò hay vỏ các loại hải sản lên nắp bát tô hay trên đĩa khác;
- Không giơ đồ ăn lên cao quá miệng.
Có rất nhiều quy tắc trên bàn ăn của người Nhật Bản, nghe qua có thể khiến cho người nước ngoài cảm thấy phức tạp, kiểu cách, thực ra khi thực hiện lại vô cùng đơn giản. Hiểu được những điều này sẽ giúp cho việc tổ chức sự kiện có các khách mời, đối tác là người Nhật Bản trở nên dễ dàng hơn. Trong quá trình tổ chức sự kiện, phần tiệc chiêu đãi thường là hạng mục chính. Sẽ thật không hay nếu bạn có những hành động không phù hợp với văn hóa thói quen của nước bạn. Người Nhật khắt khe trong ăn uống, nhưng chính sự khắt khe ấy lại làm nên một Nhật Bản văn minh, lịch sự với những tiêu chuẩn cộng đồng mẫu mực. Họ sẽ rất cảm động nếu trong bữa ăn, bạn thể hiện đúng văn hóa Nhật Bản. Điều đó cũng cho thấy lòng hiếu khách và sự tôn trọng khách hàng mà bạn dành cho đối tác của mình.
BBT Tín Phát