Tiệc hội nghị thường có quy mô tổ chức lớn và có hình thức trang trọng nhằm mục đích tạo không gian giao lưu giữa khách mời với tổ chức, doanh nghiệp, giúp kết nối tất cả khách hàng hoặc để thảo luận, họp, tổng kết về một vấn đề, sự kiện, quyết sách của doanh nghiệp.
Tiệc hội nghị không chỉ mang niềm tin của doanh nghiệp đến với khách hàng mà còn quảng cáo với khách hàng về doanh nghiệp và giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ mới. Để công tác chuẩn bị, tổ chức bữa tiệc hội nghị chu đáo, bạn nên chú ý những nội dung sau:
Tiệc hội nghị yêu cầu tính sang trọng, tỉ mỉ và bắt mắt, do đó chi phí tiệc hội nghị cũng thường cao hơn chi phí các loại tiệc khai trương, tri ân, giải trí khác. Khi tổ chức tiệc hội nghị, bạn cần tìm hiểu địa điểm tổ chức, trang trí hội trường không gian sân khấu, chi phí tiệc và nhân sự,...
Phần chi phí chi cho bữa tiệc trong hội nghị chiếm một khoản tương đối lớn, nên bạn hãy cân nhắc tính toán từ sớm để có sự chuẩn bị chu đáo. Để có được dự toán sát nhất, bạn nên tìm hiểu trước các yếu tố sau:
Đặc điểm khách mời tham gia hội nghị. Nắm bắt số lượng khách mời tham gia hội nghị sẽ giúp bạn biết phải đặt bao nhiêu set. Hãy luôn chuẩn bị phương án khách mời có thể phát sinh thêm để không bị thiếu tiệc hay trường hợp phòng bếp không chuẩn bị kịp. Việc thống kê sai số lượng khách mời sẽ gây nên những xáo trộn về chỗ ngồi cũng như thực đơn tiệc hội nghị. Ngoài ra, nắm bắt số lượng khách mời còn phục vụ việc xác định không gian tổ chức sẽ lớn bao nhiêu. Nếu số lượng khách mời ít mà không gian quá rộng có thể dẫn đến tình trạng trống trải mất thẩm mỹ khi lên hình, gây lãng phí ngân sách. Ngược lại khách mời đông nhưng không gian chật hẹp sẽ khiến cho những người tham dự cảm thấy bức bối, chật chội, khó vận động và gây khó khăn cho công tác tổ chức, phục vụ. Chưa kể, hội trường hẹp có thể khiến cho khách mời khó quan sát sân khấu cũng như không thuận tiện khi dùng tiệc.
Ngoài số lượng khách hàng, bạn cần lưu tâm đến đặc điểm khách mời là gì. Nếu khách mời thuộc nhóm chính khách thì công tác trang trí sắp xếp sẽ khác với nhóm khách mời là doanh nhân. Tương tự, khách mời trung niên sẽ có những đặc điểm khác với khách mời là thanh thiếu niên, giới trẻ. Khách mời là nữ giới sẽ có những gu thẩm mỹ, sở thích ăn uống khác với nhóm khách mời nam giới.
Không gian tổ chức sự kiện ở đây bao gồm cả mặt bằng, decor sân khấu, hội trường. Về không gian thì như trên đã nói, bạn cần phải căn cứ vào số lượng khách mời để tìm một không gian hợp lý nhắm tổ tiệc và hội nghị.
Sau khi đã có mặt bằng, hãy tính toán bố cục để phân chia khu vực sân khấu, chỗ ngồi khách mời và bàn tiệc. Khu vực tổ chức tiệc nên nằm tách riêng với khu vực hội nghị hoặc cũng có thể được sắp đặt ngay trên các bàn hội nghị. Ban tổ chức nên sắp xếp hợp lý để không khí hội nghị diễn ra thoải mái, trang nghiêm nhưng phần tiệc cũng dễ dàng, thuận tiện.
Công việc decor tiệc hội nghị cũng tương đối khác biệt so với các loại hình tiệc khác. Tùy vào chủ đề hội nghị, đặc điểm khách mời mà ban tổ chức sẽ có những cách decor riêng biệt. Phần sảnh bên ngoài phòng hội nghị là nơi khách mời đứng giao lưu, hội họp và chờ đợi. Vì vậy ở khu vực này, ban tổ chức cũng cần sắp xếp những bàn tiệc nhẹ thường là các loại hạt, trái cây, bánh ngọt để khách mời nhấm nháp trong thời gian chờ đợi. Đối với các bàn tiệc, yêu cầu về decor tương đối khắt khe. Thông thường mỗi bàn tiệc sẽ có một bình hoa tươi, rượu và ly. Ngoài ra, các món ăn cũng được trang trí, trình bày cầu kỳ bắt mắt để không chỉ gây ấn tượng với khách mời về hương thơm, mùi vị mà còn gây ấn tượng mạnh mẽ về cách trang trí.
Đối với sự kiện hội nghị có số lượng khách hàng quá lớn mà chi phí tổ chức lại có hạn thì bạn nên lựa chọn hình thức tea break để vẫn giữ được sự trang trọng, chuyên nghiệp đồng thời tiết kiệm kinh phí. Trường hợp bạn có tổ chức tiệc mặn nhưng phần hội nghị dài bạn vẫn nên sắp xếp một bữa tiệc trà để khách mời có thể tranh thủ thư giãn, giao lưu giữa nội dung chương trình.
Khi lựa chọn tiệc tea break, bạn cần tìm hiểu kỹ các gói thực đơn cùng số lượng các món ăn để đưa ra quyết định phù hợp nhất. Các món ăn thường được lựa chọn trong bữa tiệc tea break bao gồm: Trái cây, bánh ngọt, thạch, chè, sinh tố, rượu, cafe,...
Khi tổ chức tea break, bạn cần chú ý đến thời gian, địa điểm tổ chức tiệc. Tiệc tea break cần được phục vụ nhanh và tức thời. Do các loại trái cây để bên ngoài lâu dễ bị thâm, hỏng, chảy nước ảnh hưởng đến hương vị và mỹ quan. Các món ăn khác như thạch, chè, bánh cũng không thể để bên ngoài lâu ảnh hưởng đến hương vị. Đặc biệt, nếu bàn tiệc được sắp xếp bên ngoài hội trường hay trong điều kiện thời tiết nóng, gió thì sẽ rất nhanh ảnh hưởng đến chất lượng tiệc. Vì vậy, để tránh những sự cố này, người tổ chức phải đặc biệt lưu ý về thời gian, khung chương trình, khảo sát và bố trí địa điểm sắp xếp bàn tiệc phù hợp để có được bữa tiệc tea break chất lượng nhất.
Đội ngũ nhân sự phục vụ hỗ trợ trong bữa tiệc cũng là nội dung cần quan tâm chú ý. Để công việc trôi chảy, thuận tiện, ban tổ chức cần phân rõ đội ngũ chào đón khách mời, hướng dẫn khách dự tiệc, phục vụ trong bữa tiệc. Chính vì vậy, quản trị nhân sự trong bữa tiệc cũng là việc làm cần quan tâm chú ý hơn cả.
Thực đơn trong tiệc hội nghị là phần vô cùng quan trọng. Bạn có thể lựa chọn thực đơn món Âu, món Á, thực đơn hải sản, thực đơn phối hợp,... Với mỗi loại thực đơn, hãy chú ý chuẩn bị đúng dụng cụ ăn và cách sắp xếp, phục vụ trong bữa tiệc.
Các món ăn từ món khai vị, món chính đến món tráng miệng được phục vụ lần lượt từng món thay vì mang ra một lần. Khi setup các dụng cụ ăn uống trên bàn tiệc kiểu Âu, cần lưu ý những nguyên tắc sau:
- Đĩa lớn đựng thức ăn chính được đặt trung tâm vị trí ngồi, đĩa nhỏ ăn salad được đặt ở trên đĩa ăn chính, đĩa ăn bánh mì được đặt ở phía góc cao chếch bên trái;
- Khăn ăn được gấp gọn, đặt phía bên trái hoặc phía trên đĩa ăn;
- Các dụng cụ được đặt theo thứ tự từ gần ra xa là dao ăn, thìa ăn và thìa súp, tất cả đặt ở bên phải của đĩa thức ăn chính. Lưỡi dao phải được đặt quay về phía đĩa, không đặt hướng vào khách;
- Các dụng cụ: Dĩa ăn chính, dĩa ăn salad, dĩa ăn tráng miệng đặt bên trái của đĩa thức ăn chính;
- Thìa, dĩa dùng trong ăn đồ tráng miệng được đặt song song phía trước đĩa đựng thức ăn chính;
- Dao lấy bơ được đặt trên đĩa bánh mì;
- Các loại ly được đặt ở góc cao phía tay phải, đặt lần lượt theo thứ tự từ trong ra ngoài là ly dùng uống nước, ly dùng rượu vang và ly dùng champagne;
- Không đặt quá 3 dụng cụ cùng một chất liệu (bạc, inox, đồ sứ, thủy tinh) gần nhau. Trường hợp cần thiết nhân viên phục vụ hãy dọn món ăn mới ra cùng với dụng cụ đó.
Các món ăn được ra theo thứ tự từ món khai vị, các món chính đến món tráng miệng, món khai vị và món chính đều có thể setup đồng thời trên bàn nhưng phải đảm bảo nóng hổi. Sau khi khách mời dùng xong món chính nhân viên mới tiến đến phục vụ món tráng miệng.
Khi setup các dụng cụ ăn uống trên bàn tiệc kiểu Á, cần lưu ý những nguyên tắc sau:
- Đĩa trang trí để vào chính giữa vị trí khách ngồi, cách mép bàn khoảng 2 cm. Đặt đĩa ăn phía trên đĩa trang trí;
- Khăn ăn sẽ được xếp tạo kiểu và đặt ở trên đĩa hoặc trong miệng ly tại mỗi vị trí;
- Đặt đũa và gác đũa bên phải đĩa trang trí, chân đũa cách mép bàn 2 cm;
- Đũa, thìa, đĩa nước chấm đặt bên tay phải của bát ăn, cách mép bàn một khoảng 2 cm;
- Đặt thìa cá nhân lên gác thìa cách đũa 2 cm;
- Bát ăn và đĩa lót chén được xếp theo hình vòng cung với 2 phía cân xứng trên bàn xoay;
- Đặt lọ tăm và các lọ gia vị cần thiết cùng các loại nước chấm ở phía mép bàn xoay;
- Bình hoa và menu thực đơn đặt vào trung tâm bàn ăn.
Ngoài ra, với mỗi loại thực đơn, bạn nên tham khảo cụ thể cách bày biện, sắp xếp dụng cụ và cung cách phục vụ khác nhau để đảm bảo bữa tiệc được trọn vẹn và ghi dấu ấn trong lòng khách mời.
Để thuận tiện trong công tác phục vụ tiệc hội nghị thì cơ sở vật chất cần phải đầy đủ. Theo đó, ban tổ chức cần kiểm tra trước các vật dụng như: Bàn hội nghị, bàn ghế tiệc, sân khấu di động, điện, nước, lối đi.
Tùy vào đặc điểm của từng chương trình mà lựa chọn loại bàn phù hợp. Bàn họp trong hội nghị thường là bàn chữ nhật nhưng bàn tiệc thường là bàn tròn. Thông thường, bàn tròn tiệc hội nghị sẽ cao 160 cm, đường kính từ 180 đến 200 cm.
Tùy theo đặc điểm của chương trình và không gian tổ chức, bạn có thể thay đổi loại bàn cho phù hợp.
Một bàn thường set up từ 10 đến 12 người. Loại ghế thường sử dụng kèm bàn tiệc là ghế banquet mặc áo, thắt nơ. Màu áo và nơ ghế theo tone màu chung của sự kiện.
Tiệc hội nghị có màu sắc sang trọng cho nên khăn trải bàn hay áo ghế đều được lựa chọn tỉ mỉ, kỹ lưỡng về kiểu dáng, màu sắc và hoa văn trang trí. Khăn trải bàn và áo ghế không những phải sạch sẽ, phẳng phiu.
Kế hoạch dự phòng sẽ được đặt ra để lường trước các tình huống phát sinh, xây dựng phương án xử lý kịp thời và không làm ảnh hưởng đến hội nghị. Bạn có thể lên kế hoạch xử lý dự trù cho một số tình huống sau:
Sự cố cúp điện, mất nước: Để đề phòng sự cố này bạn cần bố trí thêm các thiết bị tích điện, trữ nước hoặc làm việc với bên cung cấp để không xảy ra những vấn đề làm lùi thời gian, tiến độ buổi tiệc hội nghị.
Thiếu bàn ghế, dụng cụ: Việc lên danh sách, số lượng khách mời từ đầu cũng là để chuẩn bị chu đáo bàn tiệc, dụng cụ. Nhưng hãy nhớ luôn chuẩn bị dư ra một vài bộ bàn ghế để dự phòng lượng khách mời phát sinh. Thừa còn hơn thiếu, nguyên tắc này không chỉ áp dụng với đồ dùng mà còn với cả các món ăn trong bàn tiệc.
Ngoài công tác chuẩn bị như đã nói ở trên, phần đồ uống cho tiệc cũng nên được lưu tâm nhằm đảm bảo mức chi phí phù hợp. Lựa chọn đơn vị tổ chức phù hợp là yếu tố cuối cùng, cũng là điều then chốt giúp hội nghị thành công.
BBT Tín Phát