Tóm tắt nội dung bài viết:
1. Cách phân loại đồ uống
2. Các loại đồ uống thường dùng trong tiệc sự kiện
3. Các loại đồ uống khác
Không phải ngẫu nhiên mà các đơn vị tổ chức sự kiện luôn đưa ra rất nhiều lựa chọn và tư vấn về loại đồ uống trong mỗi bữa tiệc. Đồ uống cũng giống với đồ ăn, có thể góp phần làm nên thành công hay thất bại của một sự kiện. Không chỉ vậy, kinh phí dành cho đồ uống tại mỗi sự kiện cũng không thua kém đồ ăn là bao. Đặc biệt với những bữa tiệc xã giao, tiệc rượu thì đồ uống lại càng đóng vai trò trọng yếu hơn cả.
Đồ uống được chia theo thời điểm: Khai vị, đồ uống dùng trong bữa chính hay dùng khi tráng miệng.
Những đồ uống khi khai vị thường là các loại rượu nhẹ mang ý nghĩa mở màn và được phục vụ đầu tiên mỗi bữa tiệc. Đồ uống khai vị được lựa chọn có tác dụng giúp kích thích vị giác, từ đó giúp thực khách ăn ngon miệng hơn.
Đồ uống chính theo kèm với thức ăn thường được lựa chọn kỹ lưỡng. Loại đồ uống được chọn cần phù hợp với thực đơn, hỗ trợ vị giác và khiến các món ăn trở nên thăng hoa.
Đồ uống khi tráng miệng thường là sự kết thúc ngọt ngào của bữa tiệc. Chúng được dùng khi khách chuyện trò sau bữa tiệc, hỗ trợ tiêu hóa, ổn định lại vị giác sau bữa ăn.
Đồ uống hiện nay được chia thành đồ uống tự chọn và tự phục vụ. Cách phân chia này thường căn cứ theo loại hình tiệc như tiệc set menu, tiệc buffet.
Theo đó, những đồ uống tự phục vụ là hình thức thường xuất hiện trong các buổi tiệc ngoài trời, tạo không khí vui vẻ, thoải mái và tự do cho khách mời. Đồ uống được chuẩn bị và tập hợp tại một địa điểm đã được bố trí sẵn, khách mời sẽ tự do lựa chọn và tự phục vụ loại đồ uống mình yêu thích. Hình thức đồ uống tự phục vụ có ưu điểm khách tham dự có thể thoải mái lựa chọn, pha chế và uống bao nhiêu tùy thích. Tuy nhiên, nhược điểm của hình thức này ở chỗ bạn phải bỏ ra mức chi phí cao.
Đồ uống tự chọn được khách hàng đặt trước theo thực đơn. Hình thức này cần một danh sách tương đối đa dạng các loại thức uống khác nhau phù hợp với nhiều loại thực đơn cùng các nhóm đối tượng khách mời trong bữa tiệc. Ví dụ như các loại rượu vang thường được lựa chọn nhiều cho thực đơn Âu Mỹ; các loại nước hoa quả, cocktail, trà cho thực đơn châu Á. Đồ uống có gas, nước khoáng, nước trái cây được phụ nữ sử dụng nhiều. Tương tự là rượu mạnh, bia và các loại đồ uống có cồn thường dành cho nam giới. Ban tổ chức sẽ lựa chọn và đặt từ trước các loại đồ uống này để được phục vụ trong bữa tiệc.
Đồ uống có rất nhiều chủng loại. Mỗi loại thức uống lại có những loại ly, cốc và cách phục vụ riêng. Để cụ thể, bạn có thể tham khảo một số loại đồ uống phổ biến dưới đây.
Trong những bữa tiệc sang trọng, rượu là thức uống không thể thiếu. Có rất nhiều loại rượu, mỗi loại lại có những kiểu ly và cách uống khác nhau. Để bữa tiệc của bạn trở nên đẳng cấp, đúng văn hóa của từng khu vực thì hãy tham khảo trước cách sử dụng từng loại rượu cho các buổi tiệc khác nhau.
Rượu sâm panh thường được dùng khai vị hay nâng ly chúc mừng trước buổi tiệc. Rượu sâm panh là loại rượu nhẹ, mùi dịu. Sâm panh được uống bằng ly. Ly sâm panh có 2 loại.
Loại ly ngắn, miệng rộng thường được dùng để xếp theo hình tháp nhiều tầng để rót từ trên xuống dưới.
Loại ly có hình thuôn dài, đường kính miệng nhỏ sẽ giúp giữ cho rượu sủi tăm lâu hơn, tạo thẩm mỹ và cảm giác dễ chịu. Loại ly này thường được sử dụng nhiều với các bàn tiệc ít người.
Điểm chung của 2 loại ly này là ở phần chân đế cao, giúp người uống cầm ly dễ dàng và làm cho nhiệt độ ở bàn tay không ảnh hưởng đến chất lượng rượu, không làm mất độ lạnh của rượu trong ly.
Nhà khoa học Louis Pasteur từng nói: “Hương vị của rượu vang cũng giống như nét tế nhị của một bài thơ”. Nói vậy để có thể thấy sự tinh túy của loại rượu này. Có 2 loại vang thường gặp là vang trắng và vang đỏ.
Ly vang trắng thường thường là ly cỡ 145 ml, có miệng nhỏ, thành mỏng và thân ly cao. Vang trắng có vị thơm và chua, được dùng lạnh khi ăn các món ăn chế biến từ hải sản và thịt trắng: Cá, tôm, cua...
Rượu vang đỏ dùng ly lớn hơn, cỡ 205 ml. Ly vang đỏ luôn trong suốt để làm nổi bật màu nguyên chất của rượu. Vang đỏ thường dùng khi ăn món ăn chế biến từ thịt màu đỏ: Bò, cừu, trâu, nai. Khi rót rượu vang đỏ người ta không rót đầy như vang trắng mà chỉ rót tối đa 2/3 ly.
Khi uống rượu vang cũng như rượu sâm panh cần phải có độ lạnh cần thiết. Người uống chỉ dùng ngón tay nâng nhẹ ly rượu, tuyệt đối không nắm chặt ly để tránh làm tăng nhiệt độ của rượu ảnh hưởng đến hương vị. Ly rượu vang ngon sẽ góp phần làm bữa tiệc thêm phần thăng hoa, giống như câu nói của nhà văn người Scotland Robert Louis Stevenson: “Một chai rượu vang ngon, cũng giống với một vở kịch hay, vẫn ngời sáng khi ta hồi tưởng lại.”
Rượu mạnh là các loại rượu có nồng độ cồn từ 40% alc đến 50% alc như: Gin, Vodka, Brandy, Whisky, Rum và Tequila. Khác với rượu vang hay champagne, rượu mạnh thường dùng sau bữa ăn, mỗi lần chỉ rót một lượng nhỏ khoảng 30 cc để tránh cho người uống cảm giác bị sốc. Do đó, ly uống rượu mạnh thường là loại ly nhỏ hình trụ dày, có thể có chân hoặc không chân.
Khi uống rượu mạnh, người uống thường sử dụng ngón tay cái và trỏ nhấc ly rượu, áp ly vào trong lòng bàn tay, sau đó xoay nhẹ để hơi ấm bàn tay thấm dần vào trong rượu. Sau khi rượu ấm lên, nhẹ nhàng nhấp từng chút một để chậm rãi thưởng thức từng chút vị của rượu mạnh.
Cocktail là một loại đồ uống khá phổ biến trong các bữa tiệc. Nó gồm có một hoặc nhiều loại rượu hoặc nước ngọt được kết hợp với nguyên liệu và hương liệu như: Rượu mùi, sữa, trái cây, nước ép trái cây hay mật ong và một số nguyên liệu phụ khác. Ly dùng để pha cocktail cũng có nhiều kiểu dáng khác nhau tùy theo người pha chế sử dụng. Ly cocktail còn có thể được trang trí bằng những lát chanh tươi, lát dâu, cà chua ... Dụng cụ không thể thiếu để chế biến cocktail là shaker (một loại bình lắc trong pha chế).
Đồ uống cocktail thường được áp dụng cho cả tiệc trong nhà lẫn tiệc ngoài trời, đặc biệt được ưa chuộng với giới trẻ, tạo thành nét độc đáo của từng bữa tiệc.
Trong nhiều bữa tiệc hội nghị, ban tổ chức sẽ thuê một nhân viên pha chế đồ uống (bartender) và chuẩn bị một khu vực quầy bar để pha chế theo ý muốn của khách mời hoặc để khách tự pha chế theo sở thích.
Bia thường dùng tách riêng với rượu và người ta thường không dùng bia để chúc tụng nhau trong các bữa tiệc.
Bia thường được cất/ủ bằng lúa mạch và có thêm một số thành phần phụ gia. Ngoài việc là một thức uống giải khát, bia còn có tác dụng giảm nhiệt, có lợi cho tiêu hóa. Bia cũng có thể chia thành các loại theo màu sắc như: Bia đen, bia đỏ, bia trắng, bia vàng, bia nâu.
Trong các bữa tiệc, người ta thường dùng bia như một loại đồ uống giải khát. Bia thường được uống bằng cốc, loại cốc lớn giống các cốc giải khát khác. Khi rót bia vào cốc, người phục vụ cần chú ý không để bọt bia tràn ra mặt bàn và phải đảm bảo mỗi lần rót cốc bia luôn đầy ắp.
Châu Âu là cái nôi của nhiều loại nước uống, không chỉ có bia mà còn có nước khoáng. Người Châu Âu đã tìm ra nguồn nước khoáng sớm nhất và đem nó lan tỏa đến toàn thế giới. Nước khoáng có công dụng tốt với sức khỏe, bổ sung muối và khoáng chất.
Khi dùng nước khoáng trong các bữa tiệc, bạn có thể dùng nước khoáng nguyên chất, hoặc loại thêm gas. Hoặc bạn cũng có thể lựa chọn loại nước khoáng ngọt do pha chế thêm đường và một số hương liệu khác để chiều theo vị giác của khách mời. Tuy nhiên điều này sẽ làm mất nhiều công dụng của nước khoáng.
Nước khoáng chỉ có thể giữ được chất lượng trong một thời gian ngắn. Khi sử dụng nước khoáng làm đồ uống trong tiệc sự kiện, có thể phối hợp nước khoáng với các loại đồ uống khác như cocktail hay rượu.
Để không ảnh hưởng đến mùi vị của đồ ăn, bạn có thể cân nhắc uống nước khoáng mặn hoặc nước khoáng không mùi vị. Hoặc bạn cũng có thể uống một cốc nước khoáng ngay sau khi uống ly rượu mạnh, để giảm nồng độ rượu và cũng tránh bị say rượu.
Các loại nước hoa quả được uống vào bất kỳ thời điểm nào trong bữa tiệc. Nước hoa quả còn được sử dụng sau khi khách uống rượu mạnh. Người ta thường không dùng nước hoa quả để chúc nhau. Khi uống nước hoa quả, khách mời sẽ uống trực tiếp hoặc dùng ống hút. Tuy nhiên, tại các bữa tiệc cao cấp thì ống hút ít được sử dụng do nó có thể làm giảm tính sang trọng. Bạn cũng không được để cốc nước trên mặt bàn rồi cúi đầu xuống hút nước, mà nên nâng cốc lên khỏi mặt bàn và đưa gần miệng để uống. Bạn cũng không nên uống nước ừng ực một hơi mà nên uống thành từng ngụm nhỏ. Ngoài ra cũng không nên uống sạch đến đáy cốc.
Cũng cần lưu ý đối với những bữa tiệc có các món thủy sản, bạn không nên dùng nước dứa vì nếu dùng sẽ gây đau bụng.
Cà phê thường được yêu cầu vào giai đoạn cuối của những bữa tiệc thân mật, nhỏ gọn. Cà phê thường không được phục vụ sẵn mà sẽ là do nhân viên phục vụ hoặc người chủ trì bữa tiệc hỏi khách mời có muốn uống không sau đó phục vụ từng người.
Cà phê được chuẩn bị với cốc cà phê con đặt trên tách và một chiếc thìa nhỏ, đi kèm với nó là một gói/âu đường và sữa. Khi rót cà phê chỉ rót đến 2/3 cốc. Với những bữa tiệc trang trọng, bình sữa nhỏ thường được đặt trên khay của người phục vụ chứ không để xuống bàn khách mời. Cà phê phải được phục vụ nóng mới đảm bảo hương vị.
Thìa trong ly cà phê thường chỉ dùng để khuấy chứ không dùng để uống. Khi uống, ta nên nâng tách lên ngang miệng và nhẹ nhàng uống từng chút.
Tại một số bữa tiệc thân mật, khách hàng có thể rót tý rượu cognac vào cốc cà phê để uống cho thơm, nhưng tại bữa tiệc trọng thể thì nên tránh làm như vậy.
Trà thường được sử dụng vào cuối bữa tiệc. Dụng cụ dùng để uống trà là cốc sứ/gốm tráng men/thủy tinh loại vừa có quai. Vào cuối bữa tiệc, sau khi các món ăn trên bàn tiệc đã cơ bản dọn hết, nếu khách mời có yêu cầu, người phục vụ sẽ bày cốc, tách đi kèm thìa nhỏ trên mặt bàn để uống cà phê hoặc trà. Khi uống trà, người uống nên chú ý không uống một ngụm đầy miệng, không nuốt thành tiếng và không dùng tay để lau miệng thay khăn. Bạn cũng không nên dốc ngược cốc, và nên giữ lại ở đáy cốc một chút đồ uống.
Mỗi một loại đồ uống ở trên lại có những cách kết hợp và pha chế khác nhau. Để bữa tiệc trọn vẹn, thỏa mãn được khách mời thì bạn cần tìm hiểu kỹ càng từ trước về từng loại đồ uống, dụng cụ đi kèm và cách thức phục vụ. Nên nhớ rằng, những bữa tiệc sang trọng thì khách mời thường là những người rất am hiểu và tương đối khó tính khi quan sát và sử dụng đồ uống. Muốn lấy lòng khách mời, hãy chú ý đến từng chi tiết nhỏ nhặt ấy.
Đồ uống có giá thành rất cao nên khi tổ chức, bạn nên dự trù và tính toán trước mức chi phí cần thiết. Thông thường sẽ có 2 mức tính phí đồ uống sự kiện là uống theo giờ (tính tiền đồ uống theo số giờ) và uống theo số lượng (tính tiền đồ uống theo lượng của mỗi loại). Tùy vào loại đồ uống và nội dung của chương trình hãy cân nhắc để tối ưu giá thành, tránh để mức chi phí đồ uống lên quá cao.
Trên đây Tín Phát giới thiệu một số nội dung liên quan đến các loại đồ uống trong mà sự kiện thường dùng. Mong rằng bạn sẽ có sự lựa chọn sáng suốt về đồ uống cho bữa tiệc trong sự kiện của đơn vị mình.
BBT Tín Phát